Sau trận đánh Trận_Chaeronea_(338_TCN)

Cawkwell đánh giá trận Chaeronea là một trong những trận đánh quyết định nhất trong lịch sử thế giới cổ đại.[45] Còn tác giả John Maxwell O'Brien cũng cho biết đại thắng này khiến cho Macedonia vươn lên thành minh chủ của toàn bộ Hy Lạp, và cũng tạo tiền đề cho họ tuyên chiến với Ba Tư.[3] Do không còn một đội quân nào có thể cản bước tiến của Philippos II được nữa, cuộc chiến thực sự chấm dứt.[45] Theo các thư tịch cổ, dân thành Athena và Corinth bấy giờ ra sức tái xây dựng các bức trường thành, nhằm chuẩn bị đối phó với sự vây hãm của Philippos II.[50] Tuy nhiên, sau đại thắng, nhà vua không hề có ý định bao vây bất kỳ một thành phố nào, và cũng thực sự không muốn chinh phạt cả Hy Lạp. Ông ước ao người Hy Lạp liên minh với ông trong chiến dịch phạt Ba Tư sắp tới của ông, và ông muốn để lại một Hy Lạp thăng bình ở hậu phương khi ông đi chinh chiến ở phương xa; chính vì thế mà kéo dài nạn binh đao là trái ngược với các mục tiêu của ông.[50] Philippos II thoạt tiên hành binh tới thành Thebes, người Thebes thấy thế phải đầu hàng; ông đã trục xuất các lãnh đạo Thebes đã chống đối ông, và chiêu hồi những người Thebes thân Macedonia đã từng bị đánh bật, và lập nên lực lượng đồn binh Macedonia ở đây.[51] Ông còn ra lệnh cho xây dựng lại các thành phố PlataeaThespiae ở vùng Boetia, mà quân Thebes đã tàn phá trong các cuộc binh đao trước đó. Nhìn chung, Philippos II đối đãi khắc nghiệt với người Thebes, bắt buộc họ phải nộp chiến phí cho ông, để ông trao trả tù binh và thậm chí là để ông chôn cất tử sĩ cho họ; tuy nhiên, ông không giải tán Liên minh Boeotia.[51]

Thế giới Hy Lạp vào năm 336 trước Công Nguyên, sau khi Liên minh Corinth được kiến lập.

Ngược lại, trong khi cư dân Athena đang dốc tâm ứng phó với hậu quả của thất bại[3], Philippos II thực sự đã đối xử nồng hậu với người Athena; mặc dù Liên minh Athena thứ hai bị giải tán, người Athena được phép giữ lấy thuộc địa của họ ở Samos, và các tù binh của họ được trao trả mà khỏi cần phải nộp chiến phí.[52] Như đã nêu trên, một tù binh là Demades được thả về Athena để thương lượng[3]. Người ta không chắc chắn về chủ ý của Philippos II, nhưng một lý giải thích hợp là ông mong muốn sử dụng thủy binh Athena trong chiến dịch phạt Ba Tư của ông, bởi do Macedonia không có một lực lượng thủy quân hùng hậu; do đó ông phải giữ những điều khoản tốt đẹp với người Athena.[52] Philippos II cũng giảng hòa với các nước tham chiến khác; Corinth và Chalcis (những nơi có vị trí chiến lược quan trọng) đều phải đón nhận đồn binh Macedonia.[53] Sau đó ông chuyển tầm hướng của mình sang Sparta - xứ này đã không nhảy vô cuộc chiến vừa qua, nhưng có lẽ đã lợi dụng thế yếu của các thành phố Hy Lạp khác để mà tiến công các láng giềng ở vùng Peloponnese.[54] Người Sparta từ chối lời mời đàm phán của nhà vua Philippos II, do đó ông cất quân đánh phá vùng Lacedaemonia, nhưng không tấn công chính quốc Sparta.[54]

Vua Macedonia dường như đã tiến quanh Hy Lạp trong hàng tháng sau chiến thắng, giảng hòa với các quốc gia chống lại ông, đối phó với người Sparta, và thiết lập các đồn binh; các vận động của ông cũng có thể được nhìn nhận là sự biểu dương lực lượng trước các thành phố khác, qua đó họ đâm ra không dám tấn công ông.[52] Giữa năm 337 trước Công Nguyên, ông dường như là đã hạ trại gần Corinth, và bắt tay vào việc thành lập một liên minh các thành bang Hy Lạp, với vai trò là giữ vững nền hòa bình tại Hy Lạp và hỗ trợ quân sự cho vua Macedonia trong cuộc chiến tranh chống Ba Tư.[52] Kết quả là, cuối năm 337 trước Công Nguyên, Liên minh Corinth được thành lập, theo một hội nghị do Philippos II chủ soái. Mọi quốc gia đều tham gia Liên minh, ngoại trừ mỗi Sparta.[55] Những nguyên tắc cơ bản của hội nghị này là mọi thành viên đều liên minh với nhau, và với Macedonia, và mọi thành viên đều hoàn toàn "bất khả xâm phạm", có quyền tự do hàng hải và tự do can thiệp và tình hình nội bộ.[56] Vua Philippos II, và các đồn Macedonia đóng tại Hy Lạp, sẽ trở thành những người gìn giữ hòa bình.[56] Theo yêu cầu của Philippos II, Hội nghị tôn giáo của Liên minh sau đó đã tuyên chiến với Ba Tư, và bầu Philippos II làm Chủ soái (Strategos) cho chiến dịch sắp tới.[55]

Đầu năm 336 trước Công Nguyên Một đạo quân viễn chinh Macedonia được phái tới Ba Tư, và Philippos II dĩ nhiên là sẽ thân chinh về cuối năm đó.[55] Tuy nhiên, trước khi ông có thể lên đường chinh chiến, Philippos II bị một trong các vệ sĩ của ông ám sát.[57] Trước tình hình đó, Alexandros đăng cơ, ấy là vua Alexandros Đại Đế - người đã chinh phạt toàn thể Đế quốc Ba Tư trong một loạt các chiến dịch kéo dài từ năm 334 cho tới năm 323 trước Công nguyên.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Chaeronea_(338_TCN) http://www.emersonkent.com/history_notes/philip_ii... http://books.google.com/books?id=6z6foPWT3_oC http://books.google.com/books?id=FwgOAAAAQAAJ http://books.google.com/books?id=k-mUQgAACAAJ http://books.google.com/books?id=nv73QlQs9ocC http://books.google.com/books?id=wkNCAAAAIAAJ http://books.google.com/books?id=wvtyijSRcKUC http://www.thefreedictionary.com/Chaeronea http://www.perseus.tufts.edu/hopper/text?doc=Diod.... http://www.perseus.tufts.edu/hopper/text?doc=Perse...